Đặc sản An Giang

Đã xem: 3,658
Cập nhât: 8 năm trước
Ngoài phong cảnh tuyệt vời, An Giang còn nổi tiếng với các món ngon đặc sản nơi đây. Hãy cùng tìm hiểu những món ngon này bạn nhé

Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.

 Gỏi sầu đâu

Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. 

Mắm ruột

An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.

 Mắm ruột

Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt “sừng trâu”. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. 

Xôi phồng chợ Mới

Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.

 Xôi phồng chợ Mới

Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay

Tung lò mò

Tung lò mò

“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

Bánh phồng Phú Mỹ

 Bánh phồng Phú Mỹ

Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

Gà hấp lá trúc

 Gà hấp lá trúc

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…

Bò cạp Bảy Núi

 Bò cạp Bảy Núi

Món bò cạp này còn được chế biến theo các kiểu khác như bò cạp lăn bột chiên bơ. Một số người Khmer địa phương còn dùng bò cạp ngâm với rượu, uống để chữa các chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp v.v.. Thực tế thì món bò cạp này thường chỉ dành cho những người sành ăn, dùng làm mồi nhậu cho các đấng mày râu. Và món ăn này “chống chỉ định” cho những cô nàng sợ côn trùng. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi tìm món này ở vùng Bảy Núi mà thưởng thức nhé.

Bò leo núi

 Bò leo núi

Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy. Đầu tiên thịt được ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều, chuẩn bị vỉ nướng bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ điểm này. Cho một miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ được bắc trên bếp than hồng, khỏa đều. Mỡ heo tan ra, sau đó để từng miếng thịt bò lên và phết 1 ít bơ vàng óng lên trên đó. Trứng và bơ hòa quyện thấm vào thịt thơm lừng, ngọt lịm. Trở đều để miếng bò không quá khô vừa còn giữ lại độ mềm, ngọt của gia vị. Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, rất vừa miệng ăn. Thịt nướng xong được gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát... chấm với chao hoặc mắm bò hốc. Món này ăn ngon, có thể nhấm thêm chút bia để tăng độ ngon của bữa ăn

Bún cá Long Xuyên

Đây là món ngon đặc sản An Giang ở vùng Long Xuyên. Món ngon này được người dân An Giang mời mọc rất chân tình “mời mấy anh mấy chị ăn thử món này, êm lắm đó…”. 

Điều nổi bật của món bún cá này đó là màu vàng của nghệ. Nghệ vàng ươm nhuộm cho màu trắng của cá thêm đậm đà, làm cho màu nước lèo thêm sóng sánh, hấp dẫn. Tô bún cá An Giang thường lấy cá lóc đồng làm “điểm nhấn”, rau nhút bẻ cong hay những cọng rau muốn bào xanh ươm và thêm 1 ít chuối thái sợi. Cá lóc được chọn lựa cá tươi ngon, luộc sơ, tróc da, gỡ xương rồi đem đi xào với nghệ. 

 Bún cá Long Xuyên

Cháo bò Tri Tôn

Mùi vị quyến rũ của lòng bò và hương thơm đặc trưng của trái trúc đã tạo nên hương vị rất lạ, rất riêng của món cháo bò. Muốn có một tô cháo bò thật ngon trước hết phải chọn cho được thịt bò địa phương (loại bò được nuôi tại vùng Bảy Núi). Bộ lòng phải làm thật kỹ và thật sạch. Tuy mỗi người có cách chế biến khác nhau, nhưng tô cháo bò nào cũng là tổng hợp của gạo, thịt, gân, đồ lòng và gia vị đi kèm là hành, ngò, gừng xắt nhỏ và các loại rau thơm như mò om, ngò gai. Nồi cháo muốn ngon phải luôn bắc trên bếp than hồng và bộ lòng sau khi luộc chín nên để riêng ra, không để chung như nhiều món cháo khác.

 Cháo bò Tri Tôn

Cơm nị - cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang

 Cơm nị - cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang

Để nấu cơm nị, người Chăm đã chọn loại gạo ngon, đem vò sạch và cho vào đó một chút muối rồi xả sạch. Gạo được đổ ra rổ lớn, để ráo nước. Xào bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi thơm rồi đổ gạo đã ráo nước vào xào chung cho săn thấm. Gạo sau khi xào xong trộn cùng bột hạt điều đã rang sẵn. Đổ gạo vào hỗn hợp nước bao gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri đã quấy đều, đem nấu. Lúc cơm gần chín, người ta rưới một ít nước cốt dừa hoặc sữa vào nồi rồi nấu tới khi chín hẳn. Nước dừa và sữa không được cho vào từ đầu vì làm như vậy cơm dưới đáy nồi dễ bị cháy khét, không ngon. Để tăng khẩu vị, người nấu còn cho thêm nho khô trộn cùng cơm. 

Cốm dẹp An Giang

Gặp nếp đỏ lá gai đem về đạp lấy hột rồi đưa vào chảo rang. Khi nếp nổ lách tách bắc cối giậm. Người Khmer dùng cối bồng, người Kinh dùng cối giã để giậm. Dân miệt giồng hay dùng bao bố để trên ván giậm, cứ một người giậm, một người trộn. Nếu dùng bao bố một người giậm, hai người cầm hai đầu bao, lúc lắc theo nhịp chày. Khi hạt cốm dẹp đều, được sàng sẩy cho sạch trấu.

 Cốm dẹp An Giang

Bò bảy món núi Sam

Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Tây An Cổ Tự, chùa Chúa Xứ, lăng ông Thoại Ngọc Hầu…. và đặc sản nối tiếng đó là bò bảy món.

 Bò bảy món núi Sam

Bò bảy món Núi Sam không thua kém bò bảy món Sài Gòn nhưng khác với Sài Gòn là không được bày bán trong nhà hàng hoặc trong quán địa phương. Một vài cửa h àng chỉ bán một trong bảy món cũng đủ nổi tiếng và làm giàu rồi. Làng này có tập quán là vào dịp tiệc tùng cỗ bàn chiêu đãi đều nấu bò bảy món, nhất là lễ cưới thì bàn ăn không thể thiếu đặc sản ngon An Giang này.

Bánh bò thốt nốt Châu Đốc

Đến Châu Đốc, An Giang, qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên…, đâu đâu bạn cũng bắt gặp cây thốt nốt. Có thể nói thốt nốt là đặc trưng của người Khmer Nam Bộ và là loại cây đa dụng của vùng Thất Sơn huyền bí.

 Bánh bò thốt nốt Châu Đốc

Lá thốt nốt được dùng để lợp nhà, làm chất đốt, cây già làm cột nhà, làm bàn ghế… Riêng, trái thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng du khách với những món ăn dân dã như: cơm (cùi) thốt nốt, nước thốt nốt tươi (hoặc lên men), đường tán, chè thốt nốt, bánh gói thốt nốt… Trong đó, món ăn gây ấn tượng cho du khách mỗi khi đến Châu Đốc trong mùa thu hoạch trái là bánh bò thốt nốt.

 

Đăng bởi Đặc Sản Miền Tây 07-03-2016 3658

Chuyên mục: Đặc sản Miền Tây

Tin nổi bật Đặc sản Miền Tây