Lợi ích của măng khô đối với sức khỏe

Đã xem: 6,700
Cập nhât: 8 năm trước
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông...

Măng là mầm non của tre nứa..., được gọi bằng nhiều tên khác nhau như duẩn, mao duẩn, trúc duẩn, trúc nha... Đối với nhiều nước ở phương Đông, măng là một trong những loại thực phẩm thông dụng. Ở nước ta, măng cũng là một nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn được mọi người ưa thích. Thật khó có thể nghĩ rằng trên mâm cỗ những ngày Lễ Tết lại thiếu món canh măng !

Có nhiều loại măng khác nhau: tuỳ theo nguồn gốc có măng tre, măng vầu, măng nứa, măng giang...; tuỳ theo hàm lượng nước chứa trong thành phần có măng khô, măng tươi; tuỳ theo cách chế biến có măng luộc, măng xào, măng hầm, măng chua, măng ớt...

Trước đây, có quan niệm cho rằng măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí không ít người nghĩ rằng ăn nhiều măng sẽ “hại máu”. Nhưng, kỳ thực đây là một trong những loại thực phẩm rất có giá trị, nhất là trong thời buổi hiện nay khi người ta nhiều khi quá ham đồ béo bổ, tinh chế mà bỏ quên các thực phẩm có nhiều chất xơ.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng có chứa khá nhiều thành phần dinh dưỡng. Theo các tài liệu của Trung Quốc, cứ mỗi 100g măng có chứa 4,1g protid (protid chứa trong măng có tới 16 loại acid amin), 0,1g lipid, 5,7g glucid, 22mg Ca, 56mg Photpho, 0,1g Fe, 0,08mg caroten, 0,08 mg vitamin B1, 0,08mg vitamin B2, 0,6mg vitamin B3, 1,0mg vitamin C.

Ngoài ra, trong măng còn chứa khá nhiều Mg và rất giàu chất xơ. Với hàm lượng chất béo, chất đường rất thấp và giàu chất xơ, măng là loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, phòng chống có hiệu quả tình trạng béo phì, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, bệnh táo bón, bệnh ung thư đại tràng và ung thư vú.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, với hàm lượng Mg khá phong phú và một loại đường đa có trong thành phần, măng có khả năng nhất định trong việc phòng ung, kháng ung và được coi là một trong những thực phẩm chống ung thư.

Còn ăn măng đã được luộc kỹ do đã loại hết HCN nên không xảy ra ngộ độc.Nếu dùng dạng khô hay muối chua thì rất an toàn, vì acid loại bỏ gần như hoàn toàn.

Măng các loại đều có tỷ lệ chất xơ (cellulose) rất cao nên có tác dụng nhuận trường và có tác dụng làm hạ hàm lượng cholesterol trong máu. Vì vậy ở những bệnh nhân có hàm lượng cholesterol trong máu cao thường ăn măng, vì đây cũng là một biện pháp giảm cân và hạ cholesterol hiệu quả.

Lợi ích từ măng

Những vị thuốc chữa bệnh từ măng

* Măng tươi mới nhú 60g, luộc chín, thái miếng rồi đem xào với gừng tươi thái chỉ và dầu vừng, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: chữa ho do đàm nhiệt, lồng ngực đầy tức khó chịu.

* Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng, đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : chữa chứng táo bón do nhiệt, phân cứng và khó đi.

* Măng mới nhú ra khỏi mặt đất 20g, bồ công anh 10g, gừng tươi 5g, tất cả rửa sạch, thái vụn, sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Công dụng: chữa mụn nhọt, đầu đinh.

* Măng tre 20g, chua me đất 20g, rễ dâu (cạo vỏ, tẩm mật, sao vàng) 10g, gừng tươi 8g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm một chút đường hoặc mật ong, hấp cơm rồi cho uống. Công dụng: chữa ho do phong nhiệt.

* Măng tre 40g, ốc sên 2 con (loại có vỏ to, màu vàng nâu, miệng không có vảy); ốc đem đập vỏ, bỏ nội tạng chỉ lấy thịt, sát với phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, cho vào nồi đun lấy nước đặc ; măng tre giã nát ép lấy nước rồi hòa với nước ốc cho uống, dùng liên tục cho đến khi bệnh ổn định. Công dụng: chữa hen phế quản.

* Măng tươi, cá diếc, gừng tươi, hạt tiêu lượng vừa đủ và một chút rượu vang. Cá diếc làm sạch, măng rửa sạch thái miếng, gừng tươi thái chỉ, tất cả cho vào nồi đun chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng : chữa sởi, thủy đậu giai đoạn đầu ở trẻ em, táo bón ở người lớn.

* Măng khô 50g, hải sâm 150g, tôm nõn 20g, rượu vang, đường trắng và gia vị vừa đủ. Tôm nõn ngâm trong rượu hòa với nước cho nở, hải sâm thái nhỏ quân cờ, măng khô thái nhỏ vụn. Đun mỡ trong nồi cho nóng già, cho hành và gừng đập giập vào phi thơm, cho tiếp tôm nõn, măng khô, đổ nước vào đun sôi, cho hải sâm vào đun thêm 10 phút, đổ dầu vừng nóng và hành đã phi thơm lên là được. Công dụng: là món ăn rất giàu protein và khoáng chất, lượng mỡ và cholesterol thấp, được dùng để bồi bổ cho người già và người mới ốm dậy.

Hướng dẫn làm canh măng khô móng giò ngày tết

Nguyên liệu:

  • Măng khô - 500 gr
  • Móng giò heo - 1 cái
  • Xương heo - 300 gr
  • Hành tím - 2 củ
  • Hành củ - 2 củ
  • Bột ngọt, muối, nước mắm - gia vị
  • Mộc nhĩ - vài cái

Hướng dẫn:

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu 

- Các bạn rửa sạch măng khô, ngâm khoảng 2 ngày cho măng nở sau đó đem xé nhỏ hoặc thái miếng. Nếu không có thời gian thì bạn ngâm măng từ 4 - 5 tiếng đồng hồ trước khi nấu sẽ giúp măng mềm, đỡ cứng, ăn ngon hơn.

- Móng giò, xương các bạn đem rửa sạch rồi chặt thành miếng vừa ăn. Sau đó các bạn luộc qua xương 1 lượt với nước cho xương bớt hôi và bớt chất bẩn.

- Hành củ các bạn đem rửa sạch rồi thái củ hành thành sợi

- Mộc nhĩ các bạn ngâm cho nở rồi rửa sạch lại với nước trắng, sau đó đem thái miếng vừa ăn.

- Hành tím các bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.

Luộc măng với nước lạnh

Bước 2: Các công đoạn để có món canh măng khô móng giò ngon

- Trước tiên các bạn luộc măng với nước lạnh và bạn phải luộc vài lần cho tới khi nước măng trong, măng mềm là được. Sau đó các bạn đem măng rửa sạch với nước lạnh

- Tiếp theo các bạn phi thơm hành tím với dầu cho dậy mùi rồi cho măng và mộc nhĩ vào xào rồi cho thêm một chút muối và nước mắm cho thấm gia vị. Các bạn nên xào măng và mộc nhĩ kĩ một chút để măng cũng như mộc nhĩ ngấm gia vị và chín dần. Bạn nên cho măng vào trước rồi sau đó mới cho mộc nhĩ vào.

- Sau đó các bạn cho móng giò và xương vào một chiếc nồi lớn, xào qua với nước mắm cùng một chút mì chính cho xương và móng giò ngấm gia vị thì các bạn đổ nước vào ninh khoảng 30 phút cho nhừ

- Tiếp theo các bạn cho tiếp măng và mộc nhĩ đã xào vào nồi ninh móng và xương, tiếp tục nấu cho tới khi măng mềm, móng chín nhừ. Khi ninh xương bạn có thể cho một ít bột canh và mì chính để nước canh được ngọt, ngon. Các bạn ninh trong khoảng 45 phút để măng được nhừ, ăn không bị dai và móng giò mềm, dễ ăn.

- Cuối cùng, các bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp, múc canh ra bát, thêm một chút hành củ lên trên và thưởng thức món canh ngon tuyệt này.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món canh măng khô móng giò!

Cách nấu canh măng khô móng giò

Lưu ý 

- Măng khô các bạn nên ngâm ít nhất 4-5 tiếng cho măng nở hết  để khi nấu măng sẽ nhanh mềm hơn

- Móng giò bạn phải nhớ làm sạch trước khi đem nấu

- Khi ninh xương và móng giò bạn lưu ý nếu có bọt phải phải vớt hết bọt ra để nước canh được trong, không bị vẩn đục và nước dùng có mùi thơm. Nếu muốn nước dùng thơm hơn nữa thì bạn có thể cho thêm một mẩu quế nhỏ.

- Cách chọn móng giò ngon : các bạn nên mua chân sau, nhỏ xương nhiều thịt, bì lại mỏng. Khi chọn móng giò bạn nên chọn những chân thịt chắc khoogn bèo nhèo, nặng khảng 500-600. Bạn chú ý tránh mua chân giò to, lợn gầy, khi nấu sẽ lâu chín và thịt ăn không.

- Cách chọn măng khô ngon: bạn nên chọn mua những loại măng có màu vàng hơi nâu, còn lưu giữ mùi hương đặc trưng là măng mới. Măng khô chọn măng búp vàng đều không có xơ là măng non. Măng khô thường có 4 loại: măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn.

Măng trúc nhỏ và nhọn đầu ăn giòn, ngọt. Măng nứa và măng vầu mềm hơn. Ba loại măng này thường được dùng để xào hoặc nấu canh.

Măng lưỡi lợn là loại măng củ, bổ miếng và được sấy khô, khi nấu xắt miếng hình lưỡi lợn và thường được hầm với thịt heo, chân giò trong các bữa cỗ.

Đăng bởi Minh Thiện 25-04-2016 6700

Chuyên mục: Đặc sản Miền Bắc

Tin nổi bật Đặc sản Miền Bắc